Trình Chính phủ thành lập thành phố Phú Quốc
Huyện Phú Quốc có 589,27 km² (58.927,48 ha) diện tích tự nhiên, dân số 179.480 người (đã bao gồm dân số quy đổi); có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 02 thị trấn Dương Đông, An Thới và 08 xã: Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Cạn, Hòn Thơm và xã Thổ Châu.
Huyện Phú Quốc với vị trí đặc biệt quan trọng trong quốc phòng, an ninh lại có tiềm năng, lợi thế góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Kiên Giang nói riêng và khu vực đồng bằng Cửu Long nói chung. Trong những năm gần đây, Phú Quốc đã có những phát triển nhanh chóng trên các lĩnh vực kinh tế – văn hóa – xã hội.
Cùng với đó, việc triển khai các công trình, dự án đã được phê duyệt theo nội dung quy hoạch chung huyện đảo Phú Quốc tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã tạo nên hình ảnh một thành phố biển đảo Phú Quốc ngày càng rõ nét với tính chất của đô thị là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực; đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành; trung tâm bảo tồn sự đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực.
Việc thành lập thành phố Phú Quốc các phường thuộc thành phố Phú Quốc tỉnh Kiên Giang có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, quốc phòng – an ninh nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo, tạo nên vị thế vững chắc của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á; thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc và tạo sự cân đối về phát triển kinh đô thị giữa các khu vực; tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch sẵn có của Phú Quốc.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là phù hợp với chủ trương của Trung ương trong giai đoạn hiện nay; việc thành lập các phường và thành lập thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang đã đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13; Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Kiên Giang nói chung và huyện Phú Quốc nói riêng.
Cùng ngày Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đã ký Đề án thành lập thành phố Phú Quốc và thành lập các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Từ ngày 21 đến 23-7, đã diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện Phú Quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đồng chí Mai Văn Huỳnh, tái đắc cử chức danh Bí thư huyện Phú Quốc.
Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng bộ, quân và dân huyện Phú Quốc đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, đa số các chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra, tạo thêm thế và lực mới để xây dựng Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Một số lĩnh vực vượt trội như: Tổng giá trị sản xuất tăng 84,6% so với đầu nhiệm kỳ, bình quân tăng hơn 13%/năm; thu hút khách du lịch bình quân tăng gần 28%/năm và dự kiến năm 2020 này đạt 3 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế khoảng 1 triệu lượt người; thu ngân sách 20.639 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với đầu nhiệm kỳ.
Đến nay, huyện Phú Quốc thu hút 321 dự án đầu tư, với tổng diện tích 10.936 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 340.366 tỷ đồng, trong đó có 47 dự án đã đưa vào khai thác, 75 dự án đang triển khai xây dựng và những dự án còn lại đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư.
Đại hội đề ra chỉ tiêu chủ yếu phấn đấu đến năm 2025, bình quân hàng năm giá trị sản xuất tăng 8,84%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,76%, thu ngân sách tăng 11,7%, tổng sản lượng thủy sản đạt 201.000 tấn, sản xuất chế biến nước mắm 12 triệu lít, sản lượng hồ tiêu 500 tấn. Khách du lịch đến Phú Quốc đạt 10 triệu lượt người, tăng bình quân 15%/năm, trong đó khách nước ngoài 4 triệu lượt người. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%…
source https://wikiphuquoc.com/trinh-chinh-phu-thanh-lap-thanh-pho-phu-quoc/
Nhận xét
Đăng nhận xét